Nhận xét Trúc Khê (nhà văn)

Tác giả

Nói đến Trúc Khê, Lữ Huy Nguyên có lần đã bộc bạch như sau:

... Tôi vẫn cứ muốn tin rằng nhà văn Trúc Khê đang hiện diện giữa chúng ta, chân đi giày Gia Định, áo the khăn xếp, bộ quốc phục mà ông vẫn thường vận những ngày làm báo Tiểu thuyết thứ bảy hay Phổ thông bán nguyệt san. Con người phong nhã, lịch thiệp, nghiêm túc, đạo đức ấy không nghiện thứ gì...

Trong Lời bạt in trong tập thơ Lý Bạch do Trúc Khê dịch, Lữ Huy Nguyên cũng đã viết:

Ông là người ưa thích hoạt động xã hội, tinh thần tự học rất cao và liên tục. Hồi còn đi học, ông học cả trong lúc ăn, lúc xay lúa giã gạo, đi đâu cũng mang sách theo. Ông là người có tinh thần dân tộc ngay cả trong suy nghĩ, sáng tác, nghiên cứu cũng như trong sinh hoạt, ứng xử. Một người giàu lòng hiếu khách, yêu thiên nhiên hoa cỏ[3].

Tác phẩm

Trúc Khê không lấy văn chương làm mục đích. Mục đích của ông là làm sao cho "ích nước lợi dân". Ông khảo cứu, dịch thuật, biên soạn... đều nhằm mục đích ấy... Lòng yêu nước của ông là việc nâng cao dân trí. Nói sao cho dân hiểu, gợi sao cho dân tự nghĩ... để tự đứng dậy giải phóng mình. Vì lẽ đó, mặc dù ông tạ thế ở tuổi 46, nhưng cũng đã làm được nhiều việc. Những nhận xét của ông về văn chương, về thời thế, về lịch sử... đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa...[4]

Nói về sự nghiệp văn chương của Trúc Khê, nhà nghiên cứu Văn Tâm trong Từ điển Văn học (bộ mới), có lời nhận xét khái quát như sau:

Trúc Khê dịch thơ chưa thật đặc sắc, nhưng cố gắng bám sát nguyên tác; biên khảo với tinh thần cấp tiến... Một bộ phận đáng chú ý trong sự nghiệp văn học của ông là những truyện ký danh nhân. Tất nhiên, không tránh khỏi hạn chế về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; nhưng với quan điểm tiến bộ, vốn Hán học sâu rộng, và bút pháp cũng khá nhuần nhị; ông truyền đạt tư liệu lịch sử có hệ thống, việt được một số trang khá hấp dẫn với những lời bình đúng mực.Vốn có lòng yêu nước, cho nên ông đã viết một số phẩm theo thể loại này cốt để đề cao tinh thần dân tộc như chính ông có lần bộc lộ: "Tiểu thuyết lịch sử... phải làm cho người đọc sinh lòng nhớ mến nước cũ, có mối cảm tình thắm thiết với chủng tộc, giang sơn"[5].